Bệnh viêm đa động mạch nút nguy hiểm như thế nào?
Bệnh viêm đa động mạch nút không chỉ gây tổn thương đoạn mạch máu mà còn có thể gây biến chứng suy thận, đột quỵ… nguy hiểm đến tính mạng. Viêm đa động mạch nút cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.Bệnh viêm đa động mạch nút không chỉ gây tổn thương đoạn mạch máu mà còn có thể gây biến chứng suy thận, đột quỵ… nguy hiểm đến tính mạng. Viêm đa động mạch nút cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.
1. Viêm đa động mạch nút là gì? Biểu hiện của bệnh viêm đa động mạch nút
Viêm động mạch nút còn gọi là viêm đa động mạch PAN (Polyarteritis nodosa) hoặc viêm nút động mạch. Bệnh biểu hiện ở viêm hoại tử các mạch máu nhỏ dẫn đến tổn thương ở vị trí mạch máu. Viêm đa động mạch có thể gây thương tổn cục bộ hoặc từng đoạn mạch máu, thường gặp nhất là động mạch nhỏ và trung bình. Bệnh chủ yếu gặp ở da, thận, tim, gan, hệ tiêu hóa, dây thần kinh, vùng cơ bắp và tinh hoàn.
Viêm động mạch nút là dạng bệnh lý hiếm gặp, chiếm phần đông là người cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên) và đặc biệt nam giới gấp 3 lần nữ giới.
Người mắc viêm đa động mạch nút thường có các biểu hiện lâm sàng như sau:
- Giai đoạn đầu: Người bệnh bị sốt, sút cân nhanh không rõ lí do, cơ thể mệt mỏi. Giai đoạn khởi phát này có thể duy trì trong thời gian dài.
- Giai đoạn cấp tính: Viêm đa động mạch nút gây tổn thương các cơ quan dẫn đến đau chi, đau khớp, đặc biệt là vùng cẳng chân và có dấu hiệu tổn thương hệ thần kinh. Sau đó người bệnh thấy tổn thương da, biến dạng màu sắc da, xuất hiện những tĩnh mạch nổi lên dưới da màu xanh, tím, thậm chí gây loét da. Bạn cũng có thể nhận thấy dấu hiệu xuất hiện vùng da nổi cục nhỏ, loét, teo da, phù nề, thiếu máu đầu chi dưới…
- Giai đoạn mãn tính: Viêm đa động mạch nút để lâu dài không được điều trị tận gốc sẽ gây tổn thương thận, tăng huyết áp. Người bệnh còn cảm thấy dấu hiệu tổn thương hệ tiêu hóa như đau bụng, nôn, buồn nôn, thậm chí viêm túi mật hoặc viêm ruột thừa. Nặng nề hơn bệnh nhân còn có thể phải đối mặt với dấu hiệu tổn thương tim, viêm màng tim, viêm cơ tim, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim…
Biểu hiện của viêm đa động mạch nút
Viêm đa động mạch nút là bệnh hiếm gặp nhưng tiến triển bệnh rất nhanh và nguy hiểm. Do vậy nếu bạn nhận thấy một số triệu chứng cơ bản như sốt, đau xương khớp nên lập tức đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân gây bệnh viêm đa động mạch nút
Hiện nay nguyên nhân gây hoại tử mạch máu dẫn đến bệnh lý này vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên nghiên cứu cũng chỉ ra một số yếu tố quan trọng dẫn đến bệnh như:
- Khoảng 30 - 50% bệnh nhân đang nhiễm viêm gan B hoặc C. Tiền sử bệnh nhân mắc các bệnh lý viêm gan cũng khiến trong máu chứa nhiều chất cryoglobulin làm tăng nguy cơ hoại tử mạch máu.
- Do một số bệnh lý khác như: viêm tâm mạc nhiễm khuẩn, bệnh giang mai, nhiễm herpes zoster đều khiến tăng nguy cơ mắc viêm mạch máu ở thần kinh trung ương.
- Do một số loại thuốc: Một số loại thuốc như penicillin, sulfonamid và allopurinol cũng gây nên bệnh lý về máu huyết, gây viêm mạch máu.
- Người có tiền sử nghiện ma túy: Những đối tượng thường xuyên tiêm chích vào tĩnh mạch có tỉ lệ cao mắc bệnh lý viêm mạch máu.
Người nghiện ma túy có khả năng mắc viêm đa động mạch nút cao
3. Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm đa động mạch nút
Để biết chính xác bạn có đang phải đối mặt với viêm đa động mạch nút hay không, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành chẩn đoán dựa trên những biện pháp sau:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ dựa trên những tổn thương động mạch, thận, khớp, tim… và các dấu hiệu sốt, xuất hiện mảng xanh tím dưới da, tăng huyết áp, đau bụng… để khoanh vùng bệnh lý.
- Xét nghiệm máu: Bạn sẽ phải thực hiện xét nghiệm protein niệu, hồng cầu niệu và trụ hồng cầu. Nếu phát hiện có biểu hiện thiếu máu, tăng bạch cầu bác sĩ sẽ chẩn đoán mức độ viêm đa động mạch.
- Xét nghiệm sinh thiết và chụp mạch máu: Bạn sẽ phải thực hiện xét nghiệm sinh thiết ở cơ, thần kinh hoặc tinh hoàn. Nếu kết quả âm tính bạn sẽ phải thực hiện thêm chụp mạch. Bác sĩ sẽ phát hiện những vùng động mạch bị giãn ở thận, gân, nội tạng…
Bệnh viêm đa động mạch nút cần phải thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán kĩ càng để phát hiện những thương tổn ở các cơ quan tiêu hóa, thận, tim… Nhờ chẩn đoán chính xác bác sĩ mới có thể đưa ra phác đồ điều trị thích hợp để hạn chế những biến chứng nguy hiểm.
4. Điều trị viêm đa động mạch nút
4.1. Điều trị nội khoa
Hiện nay Tây y chủ yếu sử dụng các loại thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc viêm đa động mạch nút như sau:
- Corticosteroids: Thông thường ban đầu bác sĩ sẽ chỉ định kê thuốc liều cao có chứa Corticosteroids như prednisone hoặc solumedroltheo. Sau khoảng 1 tháng điều trị sẽ tiếp tục làm xét nghiệm máu để xem tiến triển, sau đó sẽ tiếp tục giảm dần liều lượng prednisone trong 12 tháng cho tới khi ngừng hẳn. Sử dụng Corticosteroids cần bắt buộc phải theo dõi thường xuyên để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, bác sĩ cũng cần kiểm tra chức năng thận và làm xét nghiệm máu trước khi kê đơn cho bệnh nhân. Lí do là bởi Corticosteroids có chứa nhiều độc tính làm tăng nguy cơ u máu ác tính, ung thư bàng quanh, xuất huyết bàng quang, u xơ bàng quang, suy tuyến sinh dục, ức chế tủy xương. Corticosteroids cũng được chống chỉ định với bệnh nhân mắc viêm gan B vì chúng có thể làm tăng lượng virus trên cơ thể.
Hình ảnh thuốc Corticosteroids
- Thuốc ức chế yếu tố gây hoại tử: Một số loại kháng thể thường dùng là: adalimumab (Humira), certolizumab pegol (Cimzia), infliximab (Remicade) và golimumab (Simponi) sẽ giúp giảm nguy cơ hoại tử vùng mạch.
- Thuốc hỗ trợ điều trị: Khi bệnh nhan sử dụng cyclophosphamide theo đường tiêm cần kết hợp sử dụng mercaptoethane sulfonate (MESNA) để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm khác.
4.2. Điều trị ngoại khoa
Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định có thực hiện phương pháp phẫu thuật hay không. Trường hợp phẫu thuật thường áp dụng cho bệnh nhân bị biến chứng thiếu máu ruột, viêm túi mật, viêm ruột thừa, phình động mạch não…
Ngoài ra, bệnh nhân cần phải liên tục làm xét nghiệm theo dõi máu, phân tích nước tiểu, chức năng gan, thận để hạn chế nhiễm trùng, tổn thương nội tạng. Viêm đa động mạch nút cũng làm tăng nguy cơ phát triển ung thư nếu sử dụng loại thuốc cyclophosphamide trong điều trị. Vì vậy bệnh nhân cần đặc biệt theo dõi các dấu hiệu tiến triển của bệnh để kịp thời xử lí.
Viêm đa động mạch nút là căn bệnh có thể dẫn đến suy đa tạng, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh nhân thường có tiên lượng kém (tỉ lệ sống 5 năm sau khi mắc bệnh là 13%). Tuy nhiên điều trị lộ trình và kiên trì có thể kéo dài tuổi thọ trên 5 năm chiếm tới 80%. Vì vậy khi nghi ngờ mắc viêm đa động mạch nút bạn cần sớm thăm khám và làm theo hướng dẫn cụ thể bác sĩ chuyên khoa.
Cảm ơn anh/chị đã để lại thông tin. Bộ phận tư vấn sẽ liên hệ với anh chị ngay khi có thể